“Xuất ngoại” học trồng rau sạch

Ðó là con đường mà anh Trịnh Hưng Công (30 tuổi, ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) đang tâm huyết theo đuổi và lan tỏa tích cực đến một số nông dân, thanh niên ở địa phương.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Trịnh Hưng Công khiến gia đình, bạn bè bất ngờ khi lựa chọn làm… nông dân.

Năm 2016, anh đi xuất khẩu lao động theo diện tu nghiệp sinh về nông nghiệp trồng trọt ở Nhật Bản, vừa để mưu sinh vừa để tìm hiểu về cách sản xuất tạo nên uy tín nông sản của đất nước ấy. Sau 3 năm làm việc tại Green Farm, một nông trang chuyên sản xuất rau hữu cơ vi sinh ở tỉnh Kagawa, tháng 7.2019, Công về nước. Hành trang mang về không chỉ là số vốn kha khá chắt chiu sau thời gian lao động ly hương mà quý giá hơn là kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ những năm trực tiếp sản xuất rau sạch. 1 tỷ đồng vất vả có được, chàng trai trẻ thuê đất, đầu tư xây dựng nông trại trồng rau sạch.

Theo chị Ðào Thị Lệ Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã, từ khi Nhơn Hậu có 2 điểm trồng rau sạch theo kiểu Nhật (điểm có trước là vườn rau hữu cơ Kei’s do một công ty của Nhật đầu tư), người dân địa phương được tiếp cận, trực tiếp tham gia phương thức canh tác tiến bộ. Làm việc, kiểm chứng về quy trình canh tác nghiêm ngặt tại đây, họ cũng là những “tuyên truyền viên” về sản xuất rau trái an toàn. Qua đó, một bộ phận người dân dần ý thức hơn trong canh tác an toàn. Hội LHPN xã cũng thường xuyên đưa hội viên đến tham quan, tìm hiểu, khuyến khích hội viên, bà con học hỏi, ứng dụng vào vườn nhà mình.

Bà Võ Thị Bích Loan, mẹ Công kể, khi còn ở Nhật, mỗi khi gọi điện hay về nhà, con say mê nói về việc trồng rau sạch bên đó và dự định tiếp tục công việc yêu thích này ngay trên quê nhà, với mong muốn lan tỏa cách canh tác tiến bộ đến bà con địa phương. Ủng hộ suy nghĩ của con, từ năm 2017 (khi Công chưa về nước), gia đình đã chuyển đổi 1.000 m2 đất ở Bả Canh, Đập Đá (TX An Nhơn) sang trồng rau theo Công hướng dẫn. Công về nước liền thực hiện ấp ủ của mình, từ tháng 8.2019 mở rộng thêm 2 vườn, ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn (8.000 m2) và xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (1.000 m2). Đặt tên cho các trang trại và Công ty TNHH do mình thành lập là Yuuki Farm, rau trái hữu cơ thương hiệu này chủ yếu bán qua mạng và qua 3 cửa hàng tại TP Quy Nhơn (599 Trần Hưng Đạo, 08 Tô Vĩnh Diện và 207 Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn).

Chị Trần Thị Ánh Tuyết, làm việc tại trang trại Yuuki Farm Thiết Trụ, cho hay: “Cách làm của Công rất khác mọi người. Hoàn toàn không dùng thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học, trang trại 8.000 m2 không rộng lớn gì lắm nhưng nhân công đều làm việc mỗi ngày. Nếu là trồng rau kiểu đại trà, trước khi trồng phun thuốc diệt cỏ, cỏ rụi hết, còn đây cỏ mọc dày hơn rau, nên rất tốn công. Rồi còn làm dụng cụ nhử sâu bọ, miệt mài vạch lá tìm sâu. Trồng số lượng lớn để bán chứ có phải mảnh vườn con con của nhà đâu mà tốn công quá chừng, làm sao có lời. Người làm nhiều khi cũng “nóng mặt” nhưng Công thì kiên định và còn an ủi lại, cười bảo không lãi thì ít nhất cũng được cảm giác làm anh nông dân hạnh phúc vì được làm trong môi trường an toàn”.

Ngoài sản xuất theo lối hữu cơ, điểm đặc biệt của trang trại là phân công mỗi nông dân phụ trách luống rau của mình trồng. Sự sinh trưởng từng ngày của mỗi luống rau đều được “tác giả” gieo trồng theo dõi sát sao, để có cách chăm sóc hiệu quả và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Đồng thời đó cũng là cách giúp mỗi nông dân thêm tình cảm, gắn bó với từng hạt giống, cây con mình gieo, với công việc mình làm, thêm hiểu đất, hiểu cây và tích lũy, nâng cao tay nghề qua quá trình làm việc.

Tại Yuuki Farm, đồng bộ với quy trình trồng rau hữu cơ, những khâu khác đều theo tiêu chí thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, khung nhà lưới không chọn sắt thép mà bằng tre, dụng cụ đựng rau cũng bằng rổ tre, không sử dụng bì nhựa mà gói bằng lá chuối, buộc sợi chuối, rơm… Hiện mỗi ngày trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 80 kg rau với giá chỉ nhỉnh hơn thị trường một ít (đồng giá 35.000 đồng/kg).

Trịnh Hưng Công tâm sự, khi quyết định sang Nhật học, anh chỉ có mong muốn trên cơ sở tiếp thu kỹ thuật của họ để chọn lọc áp dụng, kết hợp với những tiến bộ trong lối canh tác mang tính cổ truyền của ta để tạo ra rau quả chất lượng, an toàn mà vừa túi tiền. Càng theo đuổi càng thấy say mê, khát vọng cũng lớn hơn.

“Rau quả hay rộng hơn là nông nghiệp sạch đang là xu hướng tất yếu. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều người trồng rau sạch, nhận ra mặt trái của việc sản xuất “nóng” tạo nên thực phẩm bẩn cũng là một tội ác. Phần mình, khởi nghiệp nông nghiệp sạch mới 2 năm và còn rất gian nan, song với những gì có được, tôi đã trải nghiệm cảm giác làm anh nông dân hạnh phúc như mục tiêu tối thiểu đặt ra khi chọn lựa nghề nghiệp”, Công chia sẻ.

(Trích nguồn: baobinhdinh)